2020 đã thay đổi công nghệ thế nào?
Khi lệnh phong tỏa đầu tiên được áp dụng bên ngoài Trung Quốc, hàng tỷ người trên thế giới đã buộc phải chọn các hình thức giao tiếp sử dụng công nghệ. Nhưng câu chuyện về vai trò của công nghệ trong đại dịch không chỉ giới hạn trong việc trao đổi thông tin giữa người với người, nó còn mở rộng tới cách giải trí, làm việc và rèn luyện sức khỏe.
Trong tháng 3 và tháng 4/2020, lưu lượng truy cập băng thông rộng toàn cầu tăng đột biến đã khiến YouTube phải hạ độ phân giải video phát trực tuyến để bảo toàn băng thông - một hành động chưa từng có của nền tảng này.
Ngay cả khi tình trạng phong tỏa bắt đầu giảm bớt ở một số nơi trên thế giới, hoạt động truy cập Internet vẫn liên tục tăng. Lưu lượng truy cập ở Mỹ trong khoảng thời gian tháng 11 đã đạt gần tương đương với tháng bùng nổ dịch bệnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng Internet dễ dàng khi các lệnh hạn chế đi lại được áp dụng trong thế giới thực. Ngay cả ở một số thị trường Internet lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, vẫn có hàng trăm triệu người không có kết nối thường xuyên. Trong khi đó, mức độ bao phủ Internet ở châu Phi vẫn thua xa phần còn lại của thế giới.
Mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò
Bởi có rất ít khả năng để giao lưu và hẹn hò trong thế giới thực, sự phát triển của các ứng dụng mạng xã hội và hẹn hò tiếp tục là xu hướng hàng đầu trong năm 2020. Theo công ty phân tích Apptopia, Facebook trong năm qua đã có trung bình 2.800 triệu lượt truy cập một tuần trên toàn cầu. Đối thủ cạnh tranh gần nhất của nó là Instagram và WhatsApp, hai nền tảng đều thuộc về Facebook. Ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất thế giới là Tinder với hơn 50 triệu lượt truy cập vào tháng 12/2020.
Về xu hướng của người dùng Twitter, mạng xã hội này trong năm 2020 đã chứng kiến số lượng bài đăng liên quan đến chính trị và văn hóa cao kỷ lục. Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump và người kế nhiệm Joe Biden đứng đầu bảng xếp hạng những người được tweet nhiều nhất 2020, cùng với đó làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên khắp thế giới sau vụ việc George Floyd. Biểu tượng cảm xúc được sử dụng nhiều nhất trên Twitter là "vừa khóc vừa cười" - năm thứ ba liên tiếp.
Dịch vụ phát trực tuyến
Thành tích không có đối thủ của Netflix đạt được năm qua không chỉ nhờ vào đại dịch mà còn có đóng góp không nhỏ của các series phim gốc đình đám như Tiger King và The Crown. Theo số liệu từ SimilarWeb, vào thời điểm Tiger King ra mắt tháng 3/2020, lượt truy cập Netflix đã đạt gần 700 triệu/tuần. Không chỉ Netflix chứng kiến số lượng thuê bao tăng trưởng, dịch vụ phát trực truyến của Disney cũng được hưởng lợi dịp cuối năm khi nhiều gia đình tụ họp dịp lễ Giáng sinh. Chính sức hút từ những series phim độc quyền và nhu cầu giải tỏa khỏi thực tại đã thúc đẩy nhiều người khắp thế thế giới lựa chọn loại hình dịch vụ phát trực tuyến.
Họp trực tuyến
Họp trực tuyến trở thành loại hình không thể tránh khỏi, ngay cả đối với hội nghị thượng đỉnh EU. Ảnh: AFP.
Zoom là công ty được hưởng lợi lớn nhất nhờ đại dịch Covid-19 khi các công ty trên toàn cầu sử dụng công nghệ của Zoom để duy trì kết nối với nhân viên, khách hàng và đối tác. Các tổ chức giáo dục cũng gia tăng sử dụng dịch vụ của Zoom để thiết lập các lớp học trực tuyến dù có nhiều phần mềm tương tự miễn phí.
Những tranh cãi hồi đầu năm về các biện pháp kiểm soát quyền riêng tư và bảo mật của Zoom dường như đã bị lấn át bởi sự tiện lợi. Chỉ riêng tại Mỹ và Anh, trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11/2020, lượt truy cập trang web Zoom đã đạt gần 200 triệu/tuần.
Thương mại điện tử
Sự thống trị của Amazon trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến và tùy chọn vận chuyển cao cấp Prime đã khiến nền tảng này trở thành lựa chọn thay thế hàng đầu khi các cửa hàng buộc phải đóng cửa. Trong dịp lễ hội mua sắm Prime Day và Black Friday năm 2020, trang web của Amazon đã được truy cập hơn 1.500 triệu lần/tuần.
Doanh thu của hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 96,1 tỷ USD. Lợi nhuận tăng gần 200%, đạt 6,3 tỷ USD. Theo công ty phân tích eMarketer ước tính, ngành thương mại điện tử của Mỹ đã tăng 32% vào năm 2020, chiếm 14% tổng doanh số bán lẻ.
Giao đồ ăn
Các ứng dụng giao đồ ăn là một trong những lĩnh vực công nghệ hot nhất năm qua. Điều này được chứng minh bằng đợt IPO bom tấn của DoorDash khi ngày giao dịch đầu tiên chứng kiến giá cổ phiếu tăng hơn 80%. DoorDash này hiện được định giá hơn 60 tỷ USD và nâng cao kỳ vọng cho màn ra mắt thị trường của Deliveroo vào năm 2021. Các dịch vụ giao đồ ăn như DoorDash được cho đã tận dụng được lợi thế trong đại dịch khi nhiều nhà hàng phải phụ thuộc vào họ để tiếp cận khách hàng tại nhà.
Ứng dụng chăm sóc sức khỏe
Sức khỏe tâm thần đã trở thành chủ đề được nhiều chuyên gia nhắc tới khi con người bị "mắc kẹt" trong một không gian quá lâu. Lo ngại này đã thúc đẩy nhiều người dùng smartphone tải các ứng dụng thiền như Calm để tập luyện. Trong khi các phòng tập buộc phải đóng cửa, các ứng dụng tập luyện như Strava hay Nike Run Club đã chứng kiến lượng người dùng tăng chóng mặt với hơn 6 triệu lượt/tuần. Trong vòng 12 tháng qua, tổng số hoạt động thể thao được đăng tải lên Strava lên hơn 1,1 tỉ lượt, tăng 33% so với năm 2019. Mỗi tháng, Strava thu hút khoảng 2 triệu người dùng mới.
Tham khảo lắp đặt internet FPT ngay tại Đây.