ÔNG HOÀNG NAM TIẾN: "KHI BẠN CHƯA CÓ ĐỦ SỨC MẠNH ĐỂ THAY ĐỔI CỤC DIỆN, HÃY BẮT ĐẦU BẰNG CÁCH NÓI KHÔNG"
Được biết giới doanh nhân thường có xu hướng tin vào tâm linh, nhất là trong chuyện làm ăn. Theo anh, vì họ không tự tin vào khả năng của bản thân hay vì điều gì khác?
Người ta nói "có thờ có thiêng". Người làm kinh doanh thường đối mặt với rất nhiều rủi ro, có thể là mất hết tài sản, có thể rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí tù tội. Để bảo vệ bản thân, người ta sẽ làm mọi thứ. Bên cạnh việc chăm chỉ lao động, suy nghĩ ngày đêm để làm sao kinh doanh được tốt nhất thì họ cũng muốn tìm một chỗ dựa nào đó khác nữa.
Nói về tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, mỗi cá nhân có một niềm tin khác nhau. Có người kiêng không ăn thịt chó, kiêng ăn mực, mùng 1 ngày rằm thì ăn chay, đi lễ chùa, ... Tôi tôn trọng tất cả những niềm tin đó.
Trong số những điều người ta tìm đến, có nhiều người tin vào tác dụng của động vật hoang dã. Chẳng hạn, họ dùng đồ từ ngà voi để cầu may, xua tà, ăn thịt tê tê với niềm tin nâng cao sức khỏe, thể hiện đẳng cấp. Anh đã từng sử dụng hay được tặng những món đồ như thế này chưa?
Tôi hay gọi những câu chuyện mà nhân dân bảo "có thật" trong khi khoa học không giải thích được là truyền thuyết. Tôi cũng có nghe người ta quảng cáo mua sừng tê giác, mua tượng, trang sức, dao có cán bằng ngà voi,… để mang lại may mắn. Hồi sang Burkina Faso, Châu Phi công tác, một trong những món quà người ta rất hay tặng nhau là vòng, nhẫn bằng lông đuôi voi, lại là con voi đực, con voi đầu đàn. Tôi cũng không biết nó có tác dụng gì không, tôi không nghĩ nhiều, nhưng đó là một loại quà mà tôi từng được tặng.
Giả sử anh được đối tác làm ăn lớn mời đến dự một bữa tiệc với các món ăn làm từ thịt thú hoang dã. Anh sẽ hành xử thế nào trong trường hợp này?
Trước đây, ở FPT Software, chúng tôi đã ký cam kết là không tiêu thụ bất cứ thứ gì từ động vật hoang dã. Là người đứng đầu, trách nhiệm của tôi là làm gương tuân thủ cam kết đó. Trong những lần được mời sử dụng sản phẩm làm từ động vật hoang dã, tôi luôn nói Không. Tôi duy trì thói quen đó đến bây giờ khi đã chuyển công tác sang FPT Telecom.
Lời từ chối có vẻ là một hành động "yếu ớt" trước việc sử dụng động vật hoang dã nhưng khi nó được lặp lại nhiều lần với thái độ cương quyết, lời từ chối sẽ phần nào tác động lên hành động của người khác.
Khi bạn chưa có đủ sức mạnh để thay đổi cục diện, hãy bắt đầu bằng cách nói Không.
Vì sao nhiều người lại thích ăn thịt động vật hoang dã đến thế, chúng có thật sự ngon hay mang lại tác dụng siêu nhiên như người ta vẫn truyền tai nhau?
Chuyện quan chức, kể cả những doanh nhân lớn chiêu đãi nhau bằng những bữa ăn xa xỉ từ thú quý, hiếm có thực ra chẳng phải vì nó ngon mà họ muốn sự khác biệt. Các doanh nhân thường xuyên truyền tai nhau loài này loại kia rất bổ, đặc biệt tốt cho đàn ông. Thế là bất kể có ngon hay không các ông vẫn nhắm mắt mà ăn.
Như chuyện không khoa học nào chứng minh ngà voi may mắn thế nhưng người ta vẫn săn ngà voi để cầu may. Tôi cho rằng "hiệu ứng đám đông" khiến họ hành động như vậy.
Người săn bắn động vật hoang dã thì bị xử lý hình sự, vậy những người ăn thịt loài động vật này tại sao lại không có chế tài xử mạnh?
Cũng như chuyện hút thuốc hay uống rượu bia khi lái xe, muốn là sửa được ngay. Luật pháp đã có rồi, dù tội phạm trực tiếp hay tiếp tay cho tội phạm, luật pháp đều có cách xử lý cả. Ngoài luật pháp, tòa án lương tâm là chế tài mạnh nhất mà họ phải đối diện.
Gần đây, một số chiến dịch được triển khai để lên án, thay đổi nhận thức về vấn nạn khai thác, sử dụng trái phép động vật hoang dã như ngà voi, tê tê. Anh có kỳ vọng như thế nào về cách chiến dịch truyền tải thông điệp và tác động đến nhận thức, hành vi của cộng đồng các doanh nghiệp?
Chúng ta phải nhìn nhận là xã hội bây giờ đang phát triển theo hướng tốt đẹp, văn minh, rất nhiều điều trước đây đã dần bớt dần đi. Vì vậy, cách tiếp cận cực đoan sẽ khó tạo ra tác dụng. Theo tôi, cách hay nhất là tiếp cận bằng văn hóa, nhận thức, khoa học. Khi một chiến dịch tạo thành văn hóa hành động cho đối tượng của mình, thì chiến dịch đó hiệu quả, thành công.
Và như tôi đã nói, những người đứng đầu doanh nghiệp phải làm gương, nghiêm túc thực hiện thì mới truyền cảm hứng được cho nhân viên của mình.
Ngày nay cụm từ "doanh nhân văn minh" được nhắc đến khá phổ biến. Dưới góc độ là một nhà quản trị doanh nghiệp, anh nghĩ sao khi cụm từ này phổ biến như vậy?
Bất kể quy mô hay lĩnh vực hoạt động, văn hóa doanh nghiệp sẽ là yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa doanh nghiệp này và doanh nghiệp khác, đảm bảo cho doanh nghiệp đấy có thể bền vững và trường tồn. Văn hóa doanh nghiệp bao gồm những điều tốt đẹp của doanh nghiệp. Một trong những điều tốt đẹp đấy là chúng ta nên tôn trọng tự nhiên, cụ thể là không sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã.
Văn hóa doanh nghiệp xuất phát từ người lãnh đạo. Những người đứng đầu ngoài việc tự tin kiếm tiền, tiêu tiền thì họ còn là tấm gương cho đồng nghiệp và nhân viên. Hành động cụ thể nhất là không sử dụng hay biếu, tặng những sản phẩm từ voi, tê giác, tê tê, không tiếp khách bằng những bữa ăn từ động vật hoang dã và có quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Khi đó, nhân viên, đối tác sẽ làm theo, học theo và tạo thành thói quen.
Xin cám ơn những chia sẻ của anh!